Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Hướng dẫn học nhảy salsa cơ bản

Salsa là sự kết hợp của những điệu nhảy bắt nguồn từ khu vực Caribbean (đặc biệt là Cuba và Puerto Rico), Latin và Bắc Mỹ. Điệu nhảy này là sự pha trộn của điệu Mambo, Danzón, Guaguancó, Cuban Son, và những điệu nhảy đặc trưng khác của Cuba. Salsa được nhảy với nhạc Salsa. Có thể dễ dàng nhận thấy ảnh hưởng rất rõ nét của Châu Phi trong cả điệu nhảy và âm nhạc Salsa.
Salsa thường được nhảy đôi; tuy nhiên, điệu nhảy này cũng có những bước nhảy solo và các bài nhảy của một nhóm nhiều đôi và khi đó giữa các đôi sẽ có sự trao đổi bạn nhảy mà thuật ngữ của Sal sa gọi là (Rueda de Casino). Sự ngẫu hứng và các bước nhảy cởi mở là những yếu tố quan trọng hàng đầu của Salsa những đồng thời Salsa cũng là một hình thức khiêu vũ trình diễn.
Tên gọi "Salsa" vốn có nghĩa là nước sốt trong tiếng Tây Ban Nha và được hiểu là nước sốt cay trong tiếng Tây Ban Nha ở Mỹ. Điệu nhảy này đam mê và cuốn hút hơn tiền thân của nó là điệu Son của Cuba. Bản thân từ salsa cũng được xem như mà một sự pha trộn của nhiều thứ gia vị tuy nhiên trong hầu hết các cách lý giải về nguồn gốc của tên gọi Salsa cho điệu nhảy lại không đề cập đến ý nghĩa này.

Nhịp và các bước nhảy

Điệu Salsa dựa trên một nhịp điệu gốc bao gồm 2 bước nhảy trong đó mỗi điệu có 4 nhịp nhỏ. Bước cơ bản thì có chỉ dùng 3 nhịp trong mỗi bước. Bước nhảy này có thể theo nhịp nhanh-nhanh-chậm, trong đó, 2 nhịp dùng để chuyển trọng tâm cơ thể; hoặc, nhanh-nhanh-nhanh cho phép người nhảy dậm nhẹ hay thêm thắt vào những ngẫu hứng của riêng mình trong nhịp bỏ trống. Cũng có những tranh cãi cho rằng có rất nhiều đặc điểmtrong Salsa, 2 bước nhảy nên được xem là một và theo đó thì nhịp nhảy sẽ được đếm từ 1 đến 8 kéo dài hai nhịp nhạc.
Thông thường, nhạc để nhảy Salsa là một phức hợp của những giai điệu từ bộ gõ Châu Phi dựa trên Son clave hay Rumba clave. Âm nhạc thích hợp để nhảy Salsa cũng rất phong phú: có thể là loại nhạc chậm khoảng 70 nhịp/phút hay loại nhạc nhanh khoảng 140 nhịp/phút. Thông thường thì nhạc Salsa sẽ ở vào khoảng 80-120 nhịp/phút.

Không gian nhảy

Salsa là một hình thức spot dance, có nghĩa là người nhảy không cần phải đi hết sàn nhảy mà thường nhảy xung quanh một khu vực cố định trên sàn, xoay quanh nhau và đổi chỗ cho nhau. Di chuyển quanh sàn cũng không bị cấm tuy nhiên hình thức này thường được dùng trong biễu diễn hơn. Trong một buổi nhảy salsa bình thường, nếu người nhảy chiếm quá nhiều không gian trên sàn nhảy bằng cách di chuyển quá rộng cũng không phải là một điều tốt.

Bước cơ bản

Bước cơ bản phổ biến nhất trong tất cả các biến thể salsa khác nhau là bước nhanh-nhanh-chậm 2 lần trong 2 bước nhảy 4 nhịp (hay 1 bước nhảy 8 nhịp). Bước nhanh sẽ nằm ở nhịp 1 và nhịp 2 và bước chậm thật ra là một bước nhanh ở nhịp 3 theo sau là một khoảng nghỉ hay bước dậm ở nhịp 4. Người nhảy sẽ bước như sau: trái-phải-trái-nghỉ/dậm rồi phải-trái-phải-nghỉ/dậm. Những ngoại lệ đáng chú ý là kiểu nhảy Mambo, Power On2 và Colombia sẽ bắt đầu chuỗi các bước nhảy ở nhịp 2; và kiểu Cuba là kiểu nhảy có thể bắt đầu ở bất cứ nhịp đếm nào. New York Mambo là kiểu nhảy rất đặc trưng vì nó bắt đầu ở nhịp 1 và nghỉ ở nhịp 2 có nghĩ là thay vì người nhảy bước chân trái về phía trước ở nhịp 1, dậm chân trái tại chỗ ở nhịp 2 và sau đó bước chân phải về lại vị trí ban đầu, người nhảy sẽ dậm chân trái ở nhịp 1, bước chân phải về sau rồi chuyển trọng tâm về chân trái.

Rock step/break step

Rock step là một bước rất quan trọng trong tất cả các kiểu nhảy Salsa. Bước này có 2 chức năng: thứ nhất, break step sẽ xuất hiện ở cùng một nhịp trong suốt các bước nhảy cho phép người nhảy tạo được sự liên kết và tìm được điểm tương đồng với nhau để có được sự hoà hợp về nhịp cũng như là các bước nhảy; thứ hai, nhờ có bước này mà người nhảy có thể giữ được lực cánh tay và tạo điều kiện để chuyển sang các bước nhảy khác. Những kiểu nhảy Salsa khác nhau được phân biệt căn cứ trên việc break step được thực hiện ở nhịp nào.

Bước cơ bản nhịp 1 (On 1)

Bước cơ bản nhịp 1 kiểu New York.
Ở nhịp 1,2 và 3, người dẫn bước lên trước, chuyển trọng tâm, và bước trở lại vị trí ban đầu. Ở nhịp 5,6 và 7, người dẫn bước lùi về, chuyển trọng tâm và bước trở lại vị trí ban đầu. Người theo cũng bước tương tự nhưng khi người dẫn bước lên thì người theo phải lùi lại để cả hai người có thể bước nhịp nhàng với nhau thành một thể thống nhất. Bước cơ bản này là một phần của rất nhiều những bước đi khác. Chẳng hạn như người dẫn có thể đi bước cơ bản trong khi cho người theo xoay.
Bước cơ bản có những biến thể sau, thường được gọi là các "break".
  • Forward break: có thể bắt đầu từ cả hai chân: bước lên trên, chuyển trọng tâm, trở về vị trí ban đầu trong khi đếm 1,2,3 hay là 5,6,7.
  • Back break: có thể bắt đầu từ cả hai chân: bước lùi lại, chuyển trọng tâm, trở về vị trí ban đầu trong khi đếm 1,2,3 hay là 5,6,7.
  • Side break: có thể bắt đầu từ cả hai chân: bước sang trái hay phải, chuyển trọng tâm, trở về vị trí ban đầu trong khi đếm 1,2,3 hay là 5,6,7.

Bước cơ bản nhịp 2 (On 2)

Trong nhiều trường phái khiêu vũ cổ điển theo kiểu "mambo cơ bản", người dẫn sẽ bắt đầu bằng cách bước chân sang trái ở nhịp 1 và thực hiện break step ở nhịp 2 trong khuông nhạc thừ nhất.
Nếu break step được thực hiện ở nhịp 2 và nhịp 6 khi đó sẽ gọi là bước cơ bản nhịp 2. Ở Bắc Mỹ, có 2 cách d8ể nhảy bước cơ bản nhịp 2 như sau:
  • Power-On2 thực hiện bước break step ở nhịp 2 và 6 và đứng thẳng người ở nhịp 1 và 5.
  • Eddie-Torres-On2 thực hiện bước break step ở nhịp 2 và 6 và đứng thẳng người ở nhịp 4 và 8.

Eddie-Torres-On2

Người dẫn bước nhẹ về phía sau bằng chân trái ở nhịp 1, sau đó thực hiện break step chuyển trọng tâm sang chân phải ở nhịp 2. Ở nhịp 3, chân trái sẽ bước trở về vị trí ban đầu và trọng tâm đồng thời cũng được chuyển về chân trái trong nhịp 3 và 4. Nhịp 5, người dẫn bước về phia trước bằng chân phải rồi chuyển trọng tâm sang chân trái ở nhịp 6. Ở nhịp 7, chân phải sẽ bước trở về vị trí ban đầu và trọng tâm đồng thời cũng được chuyển về chân phải trong nhịp 7 và 8 chuẩn bị cho nhịp 1 của bước nhảy tiếp theo.
Sở dĩ cách nhảy này được gọi là Kiểu Eddie Torres là vì nó đã được Eddie Torres chuẩn hoá và phổ biến rộng khắp cho dù Eddie không phải là người sáng tạo ra cách nhảy này. Eddie Torres là người đã mang đến một phương pháp giảng dạy rõ ràng thông qua rất nhiều những băng video giúp rất nhiều người New York đến với Salsa. Trong những băng video này, Eddie Torres gọi kiểu này này là "Night Club Style"[1].

Phân tích bước nhảy cơ bản nhịp 2

Cũng cần lưu ý rằng hầu hết những người nhảy theo kiểu Torres thường lướt nhanh qua nhịp 1 và 5. Điều đó có nghĩa là người nhảy bắt đầu bước sớm hơn một chút trước khi nghe thấy nhạc chơi ở nhịp 1 và 5. Điều này có thể thấy được rất rõ khi xem họ nhảy và nghe họ đếm [1]. Có thể điều này thoạt nghe hơi lạ nhưng nếu phân tích bước nhảy sẽ thấy dễ hiểu hơn. Tiếng đếm "một" sẽ rơi vào khoảng giữa nhịp 8 và nhịp 1 của bài nhạc cũng như tiếng đếm "năm" thì giữa nhịp 4 và nhịp 5 của nhạc. Như thế, khoảng cách giữa nhịp 1 (sớm) và nhịp 2 sẽ bằng khoảng cách giữa nhịp 3 và nhịp 5 (sớm) và bằng đúng một nốt đen chấm. Chính vì điều này mà mô hình "nhanh-nhanh-chậm" của bước nhảy cơ bản nhịp 1 đã được chuyển thành "chậm-nhanh-chậm" trong bước nhảy cơ bản nhịp 2 và làm giả, bớt sự khác biệt giữa các nhịp nhanh (bằng 1 nốt đen) và các nhịp chậm (bằng 1 nốt đen chấm) giúp cho cách nhảy này có được sự trôi chảy và lả lướt.
Nếu chú ý vào từng nhịp nhảy, sẽ thấy rằng trong bước cơ bản nhịp 2, mỗi nhịp nhảy đòi hỏi có sự di chuyển của chân sẽ đều rơi vào nhịp đếm "chậm" trong khi việc chuyển trọng tâm vốn đơn giản hơn sẽ rơi vào nhịp đếm "nhanh" và đều đó làm cho bước nhảy này trở nên tự nhiên và thoải mái hơn.

So sánh hai bước nhảy cơ bản nhịp 1 và nhịp 2

Xem xét một cách chi tiết, rõ ràng, hai người bạn nhảy sẽ không thể nào mỗi người mỗi nhảy theo một ước cơ bản riêng vì bước break step của mỗi bước được thực hiện ở các nhịp đếm khác nhau.
Khi nhảy theo kiểu On 2, bước break step sẽ diễn ra cùng lúc với nhịp vỗ mạnh (accented slap) từ tumbao của conga, trong khi đó nhảy theo kiểu On 1, bước break step sẽ điễn ra cùng lúc với nhịp đầu tiên. Vì lý do này, bước On 2 được xem là thiên về nhịp điệu hơn trong khi bước On 1 thì thiên về giai điệu hơn.
Cần lưu ý rằng, bước On 2 phổ biến có người dẫn bước lùi trước và người theo bước tiến tương ứng trong khi bước On 1 thì ngược lại.

Các bước xoay cơ bản

Các bước sau sau đây được dùng trong tất cả các trường phái nhảy Salsa.
  • Spot Turn (xoay tại chỗ) – một hay cả hai người nhảy xoay 360° nhưng vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu sau khi xoay.
  • Extension – hai người nhảy hướng về hai phía ngược nhau tạo nên một lực căng cánh tay. Bước xoay này thường dẫn đến một bước xoay tại chỗ hay in-and-out.
  • In-and-Out (Copa) - từ vị trí chéo tay (tay trái phía trên tay phải), người dẫn thực hiện môt bước extension, sau đó kéo người nữ lại bằng tay phải đồng thời vòng tay trái qua đầu người nữ để chuyển tay sang phía bên kia làm người nữ xoay 180° sang bên trái. Người nữ sau đó sẽ được đẩy ra lại hay ít nhất phải thực hiện một nửa cú quay trái khác để có thể quay lại đối diện với người dẫn.
  • Cross Body Lead – người theo sẽ được hướng dẫn để hoán chuyển vị trí với người dẫn bằng cách cả hai di chuyển ngược chiều kim đồng hồ. Bước này cũng xuất hiện trong các điệu nhảy Latin khác như là Cha-cha-cha.
  • Reverse Cross Body Lead – giống như Cross Body Lead nhưng sẽ di chuyển theo chiều kim đồng hồ.
  • Basket – Là một kiểu của extension nhưng người dẫn đứng sau người theo và giữa tay người theo vòng quanh vai người theo trong khi người theo bước về phía trước và người dẫn bước về phía sau.

0 comments: